Bộ trưởng, Tổng chưởng lý Arnold Kiel Loughman là thành viên duy nhất của đoàn Cộng hòa Vanuatu - quốc gia với diện tích 12.200km2 (tương đương với diện tích tỉnh Thanh Hóa) đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ rất sớm.
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, thiên đường hạ giới
Cộng hòa Vanuatu - quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương - và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ lâu. Đó là vào năm 1982, ngay sau khi Vanuatu giành độc lập.
Những người Việt Nam đầu tiên đã đến Vanuatu từ hơn 100 năm qua, cao điểm là những năm 1920 - thời điểm thực dân Pháp vẫn đang đô hộ cả hai nước.
Theo thông tin từ website của Tổng Lãnh sự quán Vanuatu tại Việt Nam (trụ sở tại TP.HCM), vào đầu thế kỷ 20, số người Việt ở Vanuatu là 21.000 người. Giữa thập niên 1960, một tỉ lệ đáng kể người Việt Nam đã trở về Việt Nam.
Ngày nay, theo cuộc điều tra dân số gần nhất do Văn phòng Thống kê quốc gia Vanuatu thực hiện năm 2000, Vanuatu vẫn là nơi sinh sống của hơn 500 người Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam là một trong những cộng đồng hải ngoại lớn nhất ở Vanuatu, trong đó một số doanh nhân xuất thân và vươn lên địa vị xã hội, những người có ảnh hưởng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chính trị và kinh tế - xã hội của đất nước.
Là một quốc gia nhỏ bé với dân số gần 327.000 người, nhưng quốc gia bao gồm hơn 80 hòn đảo, cách Úc gần 2.000km về phía đông đã được Happy Planet Index bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới trong công bố hồi tháng 5-2024.
Đây là lần thứ 2 Vanuatu giành vị trí đầu bảng, vượt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể từ khi có bảng xếp hạng này năm 2006.
Theo Lonely Planet, trải nghiệm du lịch ở Vanuatu đối lập với hình ảnh của những du thuyền và những khu nghỉ dưỡng hào nhoáng. Nơi đây là thiên đường của những bãi biển xanh xinh đẹp, hoang sơ, văn hóa cổ xưa và những chuyến lặn biển đầy phiêu lưu.
Đến Vanuatu tìm hiểu lịch sử người Việt Nam
Cũng trong những ngày qua, rất nhiều người Việt đã tìm đến kênh YouTube, TikTok của Lại Ngứa Chân - blogger du lịch Việt Nam hiếm hoi đã đặt chân đến Vanuatu - để xem những clip mà anh đã đăng tải về đất nước này.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về chuyến đi đến Vanuatu, Lại Ngứa Chân cho biết anh đã đến đây trên hành trình khám phá tất cả các quốc gia trên thế giới cách đây hai năm, năm 2022.
"Hơn nữa, khi biết lịch sử của Vanuatu có một trang gắn liền với Việt Nam, tôi lại càng muốn đến đây hơn. Việc đến Vanuatu khá khó khăn, vì các chuyến bay tới đây không có nhiều. Đây cũng không phải là địa điểm du lịch nổi tiếng nên có rất ít thông tin.
Vanuatu là một nơi hoang sơ và có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Ở đây còn có các núi lửa, các bộ lạc sống hoang dã... Tuy nhiên điều tôi nhớ nhất về quốc gia này là dấu ấn của Việt Nam ở quốc đảo này", anh chia sẻ.
Theo Lại Ngứa Chân, điều mà mọi người có thể cảm nhận được ngay khi tới đất nước này là nhịp sống ở đây chậm. Khắp nơi đều toát lên một sự trầm tĩnh, thư thái. Cuộc sống không hề xô bồ và có vẻ như không có nhiều vướng bận. Người dân Vanuatu dành rất nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn bên những bờ biển trong xanh.
Đồng thời, với sự trù phú, nông sản của Vanuatu cũng không thua kém bất kỳ một quốc gia nào ở vùng Thái Bình Dương về sự đa dạng của những sản phẩm nông nghiệp cũng như thói quen ăn uống, ẩm thực. Tuy nhiên giá cả lương thực, thực phẩm lại cao hơn hẳn.
Trong chuyến đi tới Vanuatu, Lại Ngứa Chân đã có dịp gặp gỡ chú Ngô Văn Vũ - 75 tuổi, người Việt thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Vanuatu.
Theo chú Vũ, bố mẹ chú là người Nam Định được người Pháp đưa sang trên chuyến tàu cuối cùng mà Pháp đưa người Việt sang Vanuatu để làm cho một công ty kinh doanh, trong khi phần lớn người Việt Nam làm trong các đồn điền trồng dừa, cà phê, cacao của người Pháp.
Sau đó, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến tại Việt Nam, những chuyến tàu giữa Việt Nam và Vanuatu cũng không còn. Người Pháp ở Vanuatu cho phép người Việt đổi chủ hoặc ra ngoài làm ăn.
Nhiều người Việt đã ra buôn bán, "mở tiệm ăn, may quần áo, lái taxi"… tạo nên một con phố sầm uất ở thủ đô Port Vila. Sau làn sóng hồi hương 1960, phần đông người Việt Nam đã trở về Việt Nam. Một số người Việt vì con cái, gia đình đã bám trụ lại Vanuatu đến tận ngày nay, không ít người đã làm ăn phát đạt, thành danh.
Dấu ấn của người Việt còn đến ngày nay là những cửa hàng ăn uống, khu nghỉ dưỡng do người Việt Nam làm chủ, là lũy tre, nghĩa trang với một góc dành riêng cho người Việt…
Nhưng mong ước của nhiều người Việt Nam sinh ra ở Vanuatu vẫn là được trở về quê hương như chú Ngô Văn Vũ chia sẻ: "Tôi vẫn ước mơ một ngày về Việt Nam, nghỉ hưu ở Việt Nam. Tôi vẫn là người Việt Nam nhưng tôi chưa được phần phước sống đời sống của Việt Nam".
0 nhận xét:
Post a Comment