Ngày 28/7, theo tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cơ quan này và Sở Văn hóa- thể thao TP Đà Nẵng đã cơ bản thống nhất phương án triển khai mở cửa đón khách tham quan di tích Hải Vân Quan.
Theo đó, dự kiến từ ngày 1/8 tới, di tích Hải Vân Quan sẽ bắt đầu đón khách tham quan. Trước mắt, du khách và người dân được tham quan miễn phí di tích Hải Vân Quan cho đến khi có sự thống nhất việc xây dựng bảng giá vé tham quan phù hợp.
Di tích Hải Vân Quan trong quá trình được trùng tu. Di tích này sẽ mở cửa đón khách từ tháng 8/2024, trước mắt du khách được tham quan miễn phí. Ảnh: Diệu Bình.
Vào ngày 19/12/2021, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao TP Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư, Sở Văn hoá và thể thao TP Đà Nẵng là đơn vị đại diện phía TP Đà Nẵng phối hợp điều hành thực hiện dự án.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%.
Theo chủ đầu tư dự án, đến nay mặc đã dù hoàn thành việc tu bổ, sẵn sàng đón khách tham quan di tích Hải Vân Quan nhưng việc vận hành phục vụ du lịch tại di tích này còn gặp nhiều khó khăn. Di tích vẫn còn thiếu hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe, điểm bán vé, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ, điểm bán hàng lưu niệm.
Bên cạnh đó, do nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được đầu tư đồng bộ, nên sóng điện thoại, Internet tại di tích Hải Vân Quan hạn chế...
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng ngày nay. Hải Vân Quan được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là "yết hầu" của Kinh đô Huế.
Di tích Hải Vân Quan hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách. Ảnh: Diệu Bình.
Đồn lũy này án ngữ trên con đường thiên lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại. Với địa thế như vậy, căn cứ quân sự này có thể kiểm soát toàn bộ sự lưu thông giữa hai xứ, chống cự số lượng địch quân lớn hơn gấp nhiều lần.
Ngoài ra, với độ cao gần 500m so với mặt biển, từ căn cứ quân sự này có thể quan sát rất rộng về các phía, đặc biệt là toàn bộ vịnh Đà Nẵng.
Trong giai đoạn 1945 - 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho xây dựng thêm các công trình ở Hải Vân Quan, như một số vọng gác, lô cốt nhằm trấn giữ con đường huyết mạch... Đặc biệt, trên đỉnh của 2 cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống.
Di tích Hải Vân Quan được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2017 và giao UBND tỉn Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng cùng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích này.
0 nhận xét:
Post a Comment